Đây là một bài báo được tài trợ và đã xuất hiện lần đầu trên tạp chí Conde Nast Traveler.

Bên trong nhà hàng Manhattan tại khách sạn Regent Singapore Courtesy Cloudstreet

Singapore là một quốc gia nổi tiếng với niềm đam mê những món ăn ngon, thậm chí cả một đại dịch toàn cầu cũng không thể ngăn cản sở thích đi ăn bên ngoài và được ăn ngon. Điều này giải thích tại sao ngay khi các hạn chế COVID-19 được nới lỏng vào ngày 19 tháng 6, cho phép người Singapore quay trở lại nhà hàng và quán ăn theo từng nhóm 5 người, dân địa phương nhanh chóng quay lại những nơi yêu thích của họ và đổ bộ lên các trang mạng đặt chỗ trực tuyến. Vào cuối tháng 7, các nhà hàng của thành phố đã báo cáo đạt doanh thu cao nhất trong nhiều năm, điều này phản ánh nhu cầu ăn uống bên ngoài của công chúng.


Bên trong Cloudstreet. Cloudstreet, một nhà hàng ăn uống cao cấp, đã sắp xếp lại các quy trình của mình để ưu tiên cho vấn đề an toàn và vệ sinh. (Courtesy Cloudstreet)

Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại sau đại dịch đòi hỏi các biện pháp vệ sinh tầm cao, ngay cả ở một thành phố mà tiêu chuẩn vệ sinh vốn đã thành huyền thoại. Các quán ăn ở Singapore, từ những nhà hàng năm sao đến các quầy bán đồ ăn bình dân, không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào.

Tại nhà hàng ẩm thực cao cấp Cloudstreet, những vị khách rời khỏi chỗ để đi vệ sinh khi trở lại sẽ thấy trên bàn có khăn ăn mới. Giờ đây thực đơn quà lưu niệm sang trọng thường được giới thiệu vào cuối bữa ăn được thay bằng kỹ thuật số, để giảm thiểu tiếp xúc vật lý.

Nicola Ying, thực khách mới đây tại Cloudstreet, đã nhận ra sự thay đổi đáng kể trong các quy trình an toàn ngay khi bắt đầu trải nghiệm ăn uống của mình. Cô cho biết: “Cloudstreet là một nhà hàng khá rộng nên không có cảm giác trống trải, nhưng chắc chắn số chỗ ngồi đã giảm và thực khách được sắp xếp giãn cách hơn”. “Chẳng hạn như nhân viên đeo khẩu trang và đầu bếp đeo găng tay khi họ đến bàn chúng tôi để cạo nấm truffles trên dĩa. Nước rửa tay đặt trên bàn và các khu vực chung, có cảm giác chắc chắn là họ đã rất nỗ lực.”

Những chi tiết nhỏ như thế này là một phần trong nỗ lực của nhà hàng nhằm đạt được tiêu chuẩn chất lượng SG Clean. Được Cục Môi trường Quốc gia (National Environment Agency) đưa ra vào tháng 2, chiến dịch đã được Tổng cục Du lịch Singapore và Enterprise Singapore (một cơ quan chính phủ tập trung vào phát triển kinh doanh) triển khai đối với các ngành du lịch và dịch vụ đời sống nhằm bảo vệ sức khỏe và tăng cường vệ sinh cho các doanh nghiệp liên quan. Chiến dịch này tập trung vào việc chứng nhận các cơ sở có lưu lượng khách ra vào hàng ngày cao, đảm bảo họ đáp ứng tốt tiêu chuẩn cơ bản về các thông lệ trong ngành.

Để được chứng nhận, các doanh nghiệp phải tuân thủ danh sách kiểm tra bảy điểm, bao gồm những nội dung như việc thực hiện các thông lệ vệ sinh và tình trạng sạch sẽ được tiêu chuẩn hóa, hướng dẫn thuê nhân sự bên ngoài như các nhà cung cấp, nhà thầu, và việc chỉ định người quản lý để giám sát những điều trên. Cho đến nay, hơn 400 nhà hàng, quán cà phê và quán bar đã đạt chứng nhận, cùng với hơn 2.500 khu ăn uống bình dân, chợ và quán cà phê.


Luôn dẫn đầu xu thế

Ngay cả trước khi tìm cách để đạt chứng nhận SG Clean, Cloudstreet đã thiết lập các biện pháp tăng cường để bảo vệ nhà hàng và thực khách của mình khỏi bị phơi nhiễm với vi rút. “Chúng tôi đã thực hành giãn cách xã hội và lưu hồ sơ thân nhiệt lúc vào và ra của các nhân viên,” đầu bếp kiêm chủ nhà hàng Rishi Naleendra, người nổi tiếng với việc đóng cửa nhà hàng Cheek By Jowl hạng sao Michelin của mình năm 2019 để mở Cloudstreet, cho biết.

“Chứng nhận SG Clean mang lại cho khách hàng của chúng tôi cảm giác thoải mái hơn khi ăn uống tại nhà hàng vì họ biết chúng tôi đã làm mọi điều có thể để đảm bảo môi trường của nhà hàng được an toàn. Thực khách có thể an tâm và thư giãn, quên đi những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài”.

Nhiều cơ sở kinh doanh ẩm thực khác, bao gồm chuỗi nhà hàng gia đình Da Paolo Group, bắt đầu tăng cường các biện pháp phòng ngừa an toàn ngay khi COVID-19 tấn công Singapore hồi đầu năm. Những nỗ lực như giãn cách an toàn, vệ sinh bàn sau mỗi lần sử dụng và tận dụng thiết bị vệ sinh dùng một lần, đã được đề ra trước khi các nhà hàng và quán cà phê của Da Paolo được chứng nhận SG Clean. Do đó, việc áp dụng tiêu chuẩn, phần lớn liên quan đến việc thực hiện Hệ thống các Biện pháp Quản lý An toàn (Safety Management Measures Systems) bằng cách tạo ra đám mây mà tất cả nhân viên có thể truy cập vào các tài liệu cần thiết của chứng nhận.

Ở các cơ sở lớn hơn, công tác đào tạo đã chứng tỏ là phần quan trọng nhất trong việc đạt được tiêu chuẩn này. “Chúng tôi cần đảm bảo rằng tất cả nhân viên đều nắm rõ các quy định và tuân thủ các quy trình hoạt động theo tiêu chuẩn mới”, Oscar Postma, tổng giám đốc tại khách sạn 5 sao Regent Singapore cho biết.

Ngày nay, các cửa hàng F&B của khách sạn, bao gồm Summer Palace và Manhattan được xếp hạng sao Michelin, giữ vị trí 11 trong danh sách 50 quán bar tốt nhất thế giới (World’s 50 Best Bars), được vệ sinh hàng giờ và cung cấp các tùy chọn thanh toán không tiếp xúc, song song với những biện pháp khác đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các thanh tra SG Clean giám sát hàng tuần.


Sự sạch sẽ, đáng giá bao nhiêu?

Nghe có vẻ tốn kém, nhưng đúng là tốn kém thật! Mặc dù bản thân chứng nhận không mất phí, nhưng việc duy trì mức độ sạch sẽ mà chứng nhận này yêu cầu vẫn tác động đến các chủ nhà hàng. “Thành thật mà nói, tác động tài chính của việc dự trữ khẩu trang, chất sát trùng và tất cả các phụ kiện cần thiết là một thách thức”, Naleendra chia sẻ. "Ngành này vốn đã trên bờ vực phá sản mà những thứ này lại còn tốn kém thêm nữa.”

Nhưng nhiều người nói rằng những chi phí bổ sung này là xứng đáng với cảm giác an toàn mà nhà hàng mang lại, mọi người sẽ biết rằng nhà hàng tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất. Francesca Scarpa, giám đốc tiếp thị và quản lý sản phẩm của Da Paolo Group cho biết: “Chúng tôi tham gia vào chứng nhận này chỉ đơn thuần với mục đích bảo vệ nhân viên và khách hàng của mình. “Chúng tôi không hình dung việc đạt được chứng nhận này sẽ mang lại bất kỳ lợi ích cụ thể nào cho việc kinh doanh, nhưng nếu việc đó giúp nâng cao lòng tin của khách hàng thì đó là một phần thưởng.”

Người Singapore rất vui mừng khi được ra ngoài ăn uống trở lại. “Thành thật mà nói, việc để nhân viên nhà hàng đeo khẩu trang làm thay đổi bầu không khí và khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn”, Ying, một thực khách cho hay. “Họ giải thích về các món ăn và rượu vang hơi khó nghe hơn một chút, nhưng đây là quy định và chúng tôi tuân thủ. Tôi tin rằng điều này sẽ không cản trở mọi người ra ngoài ăn uống, và ủng hộ những địa điểm yêu thích của chúng tôi.”