Một món ăn đường phố có nhiều biến thể trên khắp khu vực Đông Nam Á, satay là món chính trong các dịp tụ tập của người Singapore. Đây cũng là một cách tuyệt vời để những tín đồ ẩm thực tìm hiểu văn hóa của vùng này.

Tương tự như kebab, những xiên thịt nướng này có nguồn gốc từ văn hóa Ả Rập, nhưng từ đó đã phát triển thành một món ăn độc đáo. Thay vì xiên kim loại, người ta dùng xiên tre và satay thường được ăn kèm với nhiều loại nước chấm.

Thịt gà, thịt bò và thịt cừu là những loại thịt phổ biến nhất được sử dụng trong món ăn này. Những người không theo đạo Hồi cũng sử dụng thịt lợn. Sau khi được xiên và tẩm các gia vị như me, riềng, thịt được nướng trên than hồng.

Người đầu bếp phải luôn để ý tới các xiên thịt, vừa quạt vừa liên tục quét dầu lên thịt để có lớp bên ngoài hoàn hảo. Thành phẩm cuối cùng là xiên thịt chín vàng ruộm, hơi xém nhẹ, kết hợp hoàn hảo giữa hương vị mặn mặn, ngọt ngọt và thơm mùi khói.

Dù sự tinh túy của món ăn được giữ nguyên ở các quốc gia trong khu vực, nhưng biến thể của món ăn này ở Singapore kết hợp nhiều loại nước chấm khác nhau, thể hiện nguồn gốc đa văn hóa của chúng tôi.

Sau khi nướng xong, những xiên thịt được ăn kèm với nước sốt đậu phộng cay ngọt, thường được làm từ đậu phộng rang, nước cốt dừa và nhiều loại gia vị. Tùy thuộc vào quầy mà bạn gọi món, món satay của bạn có thể phủ dứa xay nhuyễn (thường thấy trong các phiên bản satay Hải Nam Trung Quốc) hoặc kecap manis (xì dầu ngọt).

Một món satay hoàn chỉnh sẽ bao gồm món ăn kèm là ketupat hấp (cơm nén) có hình dạng những miếng vuông nhỏ. Đôi khi món ăn kèm này được gói trong lá cọ.

Cuối cùng, dưa chuột và hành tây cắt lát được thêm vào để giúp thực khách đánh bay mùi satay sau khi ăn.

Lịch sử của món satay Singapore

Trong lịch sử, các thành viên của cộng đồng người Hoa, người Mã Lai và Hồi giáo Ấn Độ thường bán satay trên xe đẩy và tại các quầy hàng tạm ven đường. Cho đến tận cuối những năm 1970, người bán món ăn tinh túy này, được gọi một cách thân mật là ‘Người bán ‘Satay’, đã trở thành một cảnh tượng quen thuộc trên khắp đảo quốc, với “đồng phục” gồm áo may ô trắng, quạt rơm và bếp nướng than di động.

Ngày nay, món ăn có vị mằn mặn này được bán ở hầu hết các khu ăn uống bình dân và quầy bán đồ ăn trên khắp đảo quốc, và đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa ẩm thực sôi động của chúng tôi. Các khu ăn uống bình dân và quán ăn nổi tiếng phục vụ món này bao gồm Chợ Telok Ayer (thường được gọi là Lau Pa Sat) và Old Airport Road Food Centre.

Dù một số cơ sở sẽ cho phép bạn gọi vài que lẻ, món này thường được bán theo cả tá 12 xiên. Hãy thưởng thức món ăn này theo cách người dân địa phương làm, như một món ăn để cùng nhâm nhi với những người bạn mới cũng như bên người thân.