Giáo đường Maghain Aboth là một lời nhắc nhở về nguồn gốc lâu đời của cội rễ đa văn hóa của Singapore.

Được xây dựng vào năm 1878, trên thực tế giáo đường là một trong những tòa nhà Do Thái lâu đời nhất còn tồn tại ở Đông Nam Á và nơi này xưa kia từng là khu Do Thái của cả nước.

Thanh lịch trong sự đơn giản

Tòa nhà có mặt tiền đơn giản theo phong cách Tân Cổ Điển, được điểm xuyết bởi phần hiên có mái che và cổng vòm đủ lớn để cho xe ngựa kéo đi qua. Từ đây, có một cầu thang rộng dẫn lên ba cánh cửa chính.

Bên trong là kiến trúc pha trộn giữa phong cách Tân cổ điển và phong cách thuộc địa, với những cây cột truyền thống và những bức tường mộc mạc được để trống một cách cố ý, không có chi tiết trang trí hay hình vẽ nào.

Không chỉ vậy, sự kết hợp của sàn cẩm thạch, cửa sổ có mái hắt bằng gỗ, và thảm đỏ với những băng ghế dài bằng gỗ tếch, tạo nên một không gian đơn giản mà trang trọng.

Chi tiết tinh xảo

Sảnh có một ban công hình chữ U ở tầng hai cho phụ nữ, khu này được xây thêm về sau. Nguyện đường quay theo phía tây hướng về Jerusalem để đảm bảo 'bimah' (nơi đọc Thánh kinh Do Thái Torah) quay mặt vào 'ahel' (góc đặt tượng), góc này được đặt trong một hốc tường ở khu vực đã được nâng cao tại tường phía tây của sảnh.

Bên trong 'ahel' là Torah (Thánh kinh Do Thái), được bọc bằng lớp parochet (một tấm màn tua rua được thêu tay rất cầu kỳ). Một cây đèn luôn sáng được treo ở phía trước, đây là biểu tượng của ngọn lửa vĩnh cửu cháy tại nơi xưa kia là Đền Jerusalem.

Bên cạnh vai trò mang lại một góc nhìn về truyền thống Do Thái giáo có lịch sử hàng ngàn năm, Giáo đường Maghain Aboth còn là một dấu ấn gợi nhắc về lịch sử phong phú và sự đa dạng về văn hóa trong thời hiện đại của Singapore.